Tháo gỡ khó khăn giáo dục mầm non-cần có sự chung tay của xã hội


 

Mầm non là cấp học đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, chăm sóc sức khỏe hình thành nhân cách cho trẻ. Nhờ sự quan tâm, đầu tư của chính quyền các cấp và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, giáo dục mầm non (GDMN) ở tỉnh ta trong những năm gần đây đã có sự khởi sắc, nhưng vẫn còn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần sự chung tay tháo gỡ của toàn xã hội.

Tỉnh ta hiện có 90 trường mẫu giáo, nhà trẻ, trong đó 72 trường công lập và 18 trường tư thục. Ngoài ra còn có 120 nhóm, lớp trẻ tư thục. Tuy quy mô trường lớp hàng năm đều tăng nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ trong độ tuổi.



Cô trò Trường Mầm non 16 Tháng 4, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm.

Đặc biệt, trẻ được huy động đến trường và chăm sóc mới chỉ tập trung ở trẻ 5 tuổi, riêng trẻ trong độ tuổi từ 6 tháng đến 4 tuổi chưa phát triển nhiều và chủ yếu đều được huy động ra lớp từ loại hình mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình. So với mặt bằng chung toàn quốc và các tỉnh trong khu vực thì tỷ lệ huy động trẻ ra lớp của tỉnh ta còn quá thấp. Cụ thể, năm học 2013-2014, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp đạt 13,1%; mẫu giáo là 67,3%.

Nhiều nơi, đặc biệt là ở các xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng vẫn còn ở mức cao từ 35-45%; điển hình đầu năm học 2013-2014, một số xã trên địa bàn huyện Bác Ái, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm đến 50%. Khó khăn lớn nhất trong việc phục hồi suy dinh dưỡng cho trẻ ở các vùng này là thiếu cơ sở vật chất và nhân lực để tổ chức cho trẻ ăn trưa tại trường. Cô giáo Huỳnh Thị Tuyết Hoa, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Phước Đại (Bác Ái) cho biết, để tổ chức cho trẻ ăn trưa tại trường, hiện nay nhà trường phải mượn tạm bếp của khu tập thể giáo viên. Ngoài việc dạy, chăm sóc trẻ trên lớp, toàn bộ giáo viên, công nhân viên nhà trường đều phải tham gia nấu bữa ăn trưa cho trẻ sau đó vận chuyển thức ăn đến các điểm trường lẻ. Tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng bữa ăn trưa cho trẻ tại trường hiện nay cũng mới chỉ đáp ứng cho trẻ được ăn no, chứ chưa thể ăn đủ chất dinh dưỡng. Đây cũng chính là thực trạng và khó khăn chung của các trường mầm non trên địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.

Rõ ràng, khó khăn lớn nhất của GDMN tỉnh ta hiện nay vẫn là điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực. Theo thống kê, đến nay bậc học mầm non hệ công lập có 519 phòng học, vẫn còn thiếu 177 phòng học để đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ. Điều đáng nói là phòng học nhờ, học tạm vẫn chiếm đến 24,1%, nhiều điểm trường được xây dựng riêng lẻ theo từng thôn để giải quyết nhu cầu học tập của trẻ em, do đó chưa đảm bảo đúng về diện tích, mô hình, thiếu nhà vệ sinh, sân chơi, nước sinh hoạt, tường rào; nhiều phòng học đã xuống cấp trầm trọng… không đảm bảo an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ và thiếu điều kiện để huy động trẻ 5 tuổi ra lớp để được chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày. Điều kiện cơ sở vật chất cũng là cản trợ lớn nhất khiến các địa phương, các trường mầm non không thể đạt chuẩn phổ cấp GDMN cho trẻ 5 tuổi và xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia. Bên cạnh đó, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ chưa được đầu tư nhiều, chủ yếu vẫn là đồ chơi do giáo viên tự làm từ các vật liệu thiên nhiên, phế thải nên không đảm bảo về độ bền.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét